Từ ghiền cà phê, yêu cà phê, yêu đến độ say mê, tôi quyết định rẽ ngang sang kinh doanh cà phê. Cũng một phần thấy bà con mình làm cà phê cực quá mà lời lãi chẳng được bao nhiêu. Mình kinh doanh cà phê để giúp bà con nhà mình tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị cho cà phê nhà mình (nghĩ cao siêu, cao cả, cao thượng).
Nghĩ là làm, mình sẽ đi thuê một mặt bằng đẹp, làm cái quán cà phê đẹp, cà phê sạch nguyên chất của nhà, kiểu gì cũng thắng. Rồi từ một quán cà phê mình sẽ làm chuỗi cửa hàng cà phê giống như bao nhiêu chuỗi cà phê đang ăn nên làm ra. Ngây thơ, hồn nhiên như một đứa trẻ, cũng khờ khạo, vụng dại như con nít. Sau một năm mở quán tôi phá sản, phá sản cả về tài chính lẫn đam mê với cà phê, phá sản bởi những sự thật nghiệt ngã, đắng nghét như những giọt cà phê nguyên chất.
Nghĩ lúc mình nói ý định sẽ rẽ ngang đi làm cà phê thì tất thảy mọi người chửi là mình ngu, mình khùng. Ngang bướng, bảo thủ, cố chấp là những cái bản ngã trong mình lúc đó, đã nói là làm, đã đi không bao giờ quay về, một là thành công, hai là chết. Nhưng chết đâu có dễ, tới cửa âm phủ Diêm Vương nhìn mình cười khùng khục nói rằng “cái kẻ ngang ngạnh bảo thủ, cố chấp như ngươi, tuổi gì mà đòi vào giới âm phủ của ta. Quay về trần gian đi, tĩnh tâm mà tu đi, tu cho tới khi nào không còn ngang ngạnh, bảo thủ, cố chấp nữa thì quay lại đây”. Và rồi ngã ở đâu thì đứng lên ở đó, mở mắt thấy bên mình còn một chiếc điện thoại là quà kỷ niệm của một người bạn, cắn răng mang bán, sắm một chiếc xe đẩy, đi bán cà phê dạo, vừa bán để kiếm ăn, vừa học hỏi, tìm hiểu, mày mò, quay lại với đam mê cà phê.
Sau 6 năm đày đọa bản thân, chưa thành công, nhưng cũng đã tích lũy được cho mình ít nhiều những bài học kinh nghiệm cho nghề.
Nay mạn phép chia sẻ để anh chị em tham khảo:
BÀI HỌC THỨ NHẤT: KIẾM MẶT BẰNG KINH DOANH QUÁN CÀ PHÊ
Gần như đa số những người khi đi tìm kiếm mặt bằng kinh doanh quán cà phê họ thường nghĩ ngay đến việc nhận sang nhượng một mặt bằng kinh doanh sẵn có. Chỉ việc sang tiền cho chủ trước là bước chân vô kinh doanh, hốt bạc. Họ lên Internet họ tìm kiếm, những thông tin rao sang nhượng hay quá trời: Mặt bằng đẹp, gần trung tâm thương mại, gần chợ, khu dân cư đông đúc; quán view đẹp, full đồ, có lượng khách ổn định, doanh thu bằng này bằng kia.... vân vân và mây mây.
Tốt thế sao không để mà làm? Vì sao phải sang nhượng? Muôn vàn lý do: Chuyển nơi ở, do sức khỏe, do ko có người quản lý... Uh thì lý do là vậy, sao ko để cho anh em, bạn bè người thân làm, đăng lên đây làm gì cho mất phí? Tôi có cái MB đẹp, bán hàng tốt, tôi chuyển nơi sinh sống, ngay lập tức vài người bạn đã ngỏ ý xin tiếp quản quán của tôi, chứ tôi đâu còn cơ hội để đăng tin trên các chuyên trang sang nhượng.
Phải thừa nhận rằng nếu đi nhận sang nhượng mặt bằng có kha khá thuận lợi. Đó là MB thường là đã có đủ các dụng cụ, vật dụng cần thiết cho hoạt động kinh doanh, tuy không phải là đồ mới, nhưng đổi lại là giá cả khá thấp hơn so với việc phải bỏ tiền ra mua mới. Ít nhiều quán cũng có 1 lượng khách nhất định, nhận xong là chỉ việc kinh doanh.
Nhưng người nhận sang nhượng nhiều khi không lường trước hết được những khó khăn của việc nhận sang nhượng. Mỗi người có mỗi tư duy, suy nghĩ khác nhau, nên nhiều khi bạn nhận MB xong thường phải cải tạo một số hạng mục theo ý của bạn. Nếu như vậy, cộng tiền sang nhượng và cải tạo thành ra nhiều khi đắt hơn đầu tư mới, mà nhìn cảnh chắp vá mới - cũ nhìn chẳng ra sao.
Một điểm bất lợi mà nhiều người rất dễ gặp, đó là hợp đồng với chủ sở hữu MB. Mặc dù là mình thuê, có hợp đồng, có tiền cọc, nhưng không thiếu gì cách để chủ sở hữu MB chấm dứt hợp đồng với bạn ngay cả khi chưa hết hạn hợp đồng. Khi đó một số tiền của bạn đã chôn vào MB, đang lúc hoạt động kinh doanh ổn định lại phải di dời.
VẬY LÀM SAO ĐỂ CÓ THỂ CÓ ĐƯỢC MỘT MẶT BẰNG KINH DOANH ỔN ĐỊNH VÀ THUẬN LỢI?
Thứ nhất, tìm hiểu kỹ vị trí MB:
MB đó có phải là điểm thuận lợi cho việc KD của mình hay không? Có rộng, thoáng không? Nếu không phải là góc hai mặt tiền thì mặt tiền cũng phải rộng tối thiểu là 6 mét trở lên, không cần chiều sâu (Nếu kinh doanh cà phê ôm thì mặt bằng 3x25 cũng được). Bạn thử chạy xe từ cả 2 chiều xuôi ngược qua điểm MB muốn khảo sát xem vị trí MB có dễ thấy không? Vì có một số quán cà phê tôi phải đi tới vài lần tôi mới nhớ được vị trí, vì quán quá khuất tầm nhìn ở cả 2 chiều chạy xe. Tuyến đường đó là 2 chiều hay 1 chiều? Hướng nắng sáng hay chiều? MB có chỗ để xe hay không? Có nằm trong phạm vi cấm dừng đỗ xe hay không?
Thứ hai, khảo sát lưu lượng khách, đối tượng khách hàng:
Phải khảo sát ở các buổi khác nhau trong ngày, các ngày khác nhau trong tuần. Mặt bằng dân trí trong khu vực, các cơ quan, công sở, nhà máy, hoặc khu trọ, khu sinh viên, khu dân cư, chung cư.... Khách hàng là dân công sở, trí thức, giới trẻ, hay khách hàng là người lao động phổ thông, là tiểu thương buôn bán, khách hàng vãng lai. Loại khách hàng nào là chủ yếu. Việc khảo sát lưu lượng khách, đối tượng khách để định hướng mặt hàng kinh doanh, chất lượng và giá cả mặt hàng kinh doanh.
Thứ ba, tìm hiểu thông tin về chủ sở hữu MB:
Tốt nhất nên gặp trực tiếp nói chuyện với chủ nhà xem họ là người như thế nào. Cái này thì nếu bạn đã đọc cuốn "Đọc vị bất kỳ ai" thì bạn sẽ ứng dụng được ít nhiều đấy. Rồi chuẩn bị kỹ lưỡng cho một bản dự thảo hợp đồng thuê mặt bằng, nên tham khảo các luật sư cho chắc cú, chuẩn bị tiền cọc cao vào, càng cao càng tốt, nếu chủ mặt bằng thấy bạn kinh doanh ngon ăn mà muốn hất bạn ra để làm thì phải đền gấp 2 lần cọc. Về thời hạn thuê mặt bằng tối thiểu cũng phải 3 năm, vì năm thứ nhất bạn chưa thu hồi đủ vốn mà làm hợp đồng năm một thì coi như lỗ là cái chắc. Hợp đồng thuê mặt bằng cũng nên qua công chứng cho chắc cú.
Thứ tư, là khảo sát về chính quyền địa phương, tình hình an ninh trât tự trong khu vực, có ổn định cho việc KD của bạn hay không.
Cuối cùng mới làm việc với người sang nhượng:
Thương lượng về việc sang nhượng, định giá về lợi thế thương mại của MB, định giá tài sản sang nhượng, làm hợp đồng chắc chắn. Đối với các hợp đồng có giá trị lớn nên qua công chứng để đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ của cả 2 bên.
Khi nhận mặt bằng rồi, cũng xác định luôn cho nhanh là chủ trước làm không nổi nên phải sang nhượng lại. Vậy sau khi nhận sang nhượng lại thì bạn phải làm gì?
1- Quây bạt kín lại, gỡ cái bảng tên quán cũ ném đi. Ở bên ngoài ghi cái tên quán mới, ngày dự định khai trương.
2- Reset lại theo ý mình.
3- Quẳng hết menu của quán cũ đi, làm kiểu của mình.
4- Hoàn thiện tất cả mọi khâu: nhân sự, trang thiết bị trong quán, thiết lập quy trình làm việc, tìm kiếm nguồn nguyên liệu pha chế đồ uống (nhớ là Kao Đạt chia sẻ bài viết này nha).
5- Chạy thử để hoàn thiện những gì còn chưa hợp lý.
6- Khai trương.
Xong rồi đó. Chúc mừng bạn đã bước vào cái vòng luẩn quẩn của những người kinh doanh quán cà phê, đã tiêu xong một mớ tiền, coi như học phí cho những bài học kinh nghiệm của việc nhận sang nhượng mặt bằng kinh doanh quán cà phê.
Nếu bạn thực sự đam mê kinh doanh quán cà phê, đừng ngại ngần gọi điện hoặc nhắn tin cho tôi, tôi sẽ chỉ bạn cách làm. Cam kết không tốn nhiều tiền, nhưng cần ở bạn một niềm đam mê thực sự, cần ở bạn một tính lì lợm, gan dạ, kiên trì, cần thêm 1 phần ở hoạt động lao động trí não bằng óc sáng tạo. Tôi sẽ đồng hành cùng bạn đi tới thành công.
(Bài sau xin chia sẻ về kinh doanh cà phê rang xay nguyên chất, cà phê pha máy – nỗi niềm đau đáu của các bạn trẻ khi mới bắt đầu kinh doanh quán cà phê)