- Anh ơi, có cái quán này đẹp lắm luôn, giá sang nhượng lại mềm, anh bớt chút thời gian qua coi giùm em.
- Chú làm cà phê, có nhiều mối quan hệ quen biết, kiếm giúp chị người nhận sang lại quán, chị nản lắm rồi.
Những ngày này thằng Kao Đạt luôn đau đầu với những câu chuyện đại loại như vậy. Sau khi Covid-19 đã lùi xa, các quán xá dần hoạt động trở lại, nhưng có chung một hoàn cảnh là: vắng khách, khô máu (cạn vốn). Có khá nhiều chủ quán hết đường tiến đành phải lui, sang nhượng để cắt cầu lỗ, vớt vát chút tiền tươi kiếm cửa khác làm ăn.
Bạn đi học 12 năm phổ thông, 4-5 năm học đại học, ra trường chạy trọt lo lót để xin được một việc làm trong một cơ quan hay doanh nghiệp nào đó, rồi vài tháng đến 1 năm, có khi 2 năm thực tập không lương, rồi hợp đồng thử việc, rồi hợp đồng có thời hạn, hợp đồng không thời hạn hoặc biên chế chính thức, lương bạn lúc bấy giờ là bao nhiêu? Mà trong suốt quá trình đó có phải lúc nào cũng thông đồng bén giọt đâu, đổ mồ hôi, sôi máu mắt, phải vượt qua không biết bao nhiêu khó khăn, gian khổ.
Làm quán cà phê hay làm bất cứ nghề gì cũng vậy, bạn hãy xác định xem nghề, công việc đó có phù hợp với bạn hay không? Bạn có thực sự đam mê với nó hay không? Đừng làm theo cảm tính, đừng làm theo trào lưu, đừng nghĩ rằng mình có tiền, chỉ cần bỏ tiền ra đầu tư cái quán đẹp đẹp để làm nơi thư giãn, để làm nơi tụ tập bạn bè rồi xèo phi, hay chém gió. Tiền bỏ ra đầu tư bạn có thể có từ nhiều nguồn khác nhau, nhưng để duy trì, quản lý, phát triển một cái quán cà phê thì bạn cần phải có kinh nghiệm, bạn hiểu hết các ngóc ngách, tường tận của từng nội dung công việc khi vận hành cái quán cà phê đó. Mà để có được những thứ đó bạn phải học, giống như bạn đi học ở trường ngày xưa, nhưng khác ở đây nó là "trường đời".
Hay khi vợ chồng bạn sinh được một đứa con, từ lúc sơ sinh, bế ẵm cho bú sữa, ăn sữa ngoài, rồi ăn bột, ăn cháo, rồi mới tới lúc nó biết ăn cơm. Từ lúc ẵm ngửa, rồi bế đứng, tới lúc nó biết lẫy, biết bò, rồi biết đi. Cả một quãng thời gian dài đầy khó khăn vất vả. Quán cà phê hay bất kỳ nghề nào khác cũng vậy, bạn không trải qua đầy đủ từng giai đoạn thì bạn không thể thành công.
Đứng ngoài nhìn vào cái quán cà phê đông khách thích lắm luôn. Chủ quán chả làm cái mẹ gì ngoài việc ngồi nhâm nhi ly cà phê tám chuyện với vài người bạn, quay qua quay lại nhắc nhở một vài nhân viên. Thích là làm thôi, bỏ ra mớ tiền nhận sang nhượng cái quán, ấy vậy là được như họ thôi có gì đâu. Xin bạn ghi nhớ cho một điều: LÀM QUÁN CÀ PHÊ KHÔNG PHẢI LÀ NGHỀ GIÀNH CHO NHỮNG NGƯỜI KHÔNG CÓ SỰ ĐIỀM ĐẠM, BÌNH TĨNH. Thấy quán cà phê thằng bên kia đường, quán thì xấu, không có chân dài, 2 vợ chồng hắn quần lò xo quá gối, người chua lòm mồ hôi, quán thì chỉ vài ba cái quạt mà sao đông khách dữ. Quán mình làm sau, đầu tư hoành tráng, view đẹp, máy lạnh, tiếp viên chân dài bưng bê mà sao vẫn ế? Xin thưa là quán bên đó họ mở 6 năm nay rồi, toàn khách ruột, mà cà phê bên họ đa dạng, đáp ứng đủ mọi gu uống. Khách tới là bưng đúng loại cà phê theo gu, khỏi cần hỏi. Vậy bạn có đủ kiên nhẫn, kiên trì, đủ thời gian, đủ tiền để duy trì quán như vậy không?
Tốt nhất, bạn dẹp quán đi, sang rẻ đi, lỗ cũng được, nhưng là để cắt cầu lỗ. Đi làm thuê, làm bưng bê cho các quán đi mà học kinh nghiệm, học pha chế đi, rồi kiếm một mớ tiền, về lại đầu tư quán, rồi tiếp tục trả học phí cho 1 vài năm kinh nghiệm, bạn sẽ có được một quán cà phê đông khách đấy.
Cào phím chém gió chỉ viết nên được những con chữ trên mạng vậy thôi, bạn hỏi tôi chia sẻ cho bạn kinh nghiệm này nọ, bạn cho tôi vài triệu, vài chục triệu, tôi chém gió cho bạn nghe nguyên ngày, bởi những câu chuyện tôi nói nó là những câu chuyện có thật, bởi đó là "lao động quá khứ" của tôi kể lại cho bạn nghe.
Nếu thực sự muốn bạn hãy cân nhắc thật kỹ, đặt quyết tâm thật cao, đừng kỳ vọng quá nhiều, chuẩn bị một số tiền kha khá để nuôi hy vọng, để trả nộp học phí cho những bài học kinh nghiệm của trường đời, có bản lĩnh, có tính kiên trì, có óc tư duy sáng tạo, suy nghĩ những điều tích cực, bạn sẽ đạt được những gì mình mong muốn.
Mời các bạn đón đọc bài chia sẻ kỳ tới: CÂU CHUYỆN NHẬN SANG NHƯỢNG QUÁN CÀ PHÊ