
Kể từ khi trạng thái “bình thường mới” được thiết lập sau đỉnh dịch Covid của Sài Gòn, Kao Đạt nhận được nhiều đề nghị tư vấn về việc nhận sang nhượng quán cà phê. Rất nhiều người muốn sang nhượng, cần sang nhượng, quán lớn, quán nhỏ, quầy bán mang đi… Nhưng làm sao để nhận sang nhượng được một mặt bằng quán cà phê phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi người thì lại là cả một câu chuyện dài.
Nhận sang nhượng quán cà phê đang hoạt động cũng là một việc khá đơn giản, chỉ cần nhìn thấy ưng mắt, thỏa thuận bỏ tiền ra mua lại cái quán là có thể bắt tay vào kinh doanh ngay được rồi.
Nhưng đời không như là mơ, nếu thực sự cái quán đó kinh doanh thuận lợi thì việc để nhận sang nhượng không dễ dàng gì, vì họ sẽ để lại cho họ hàng, anh em, bạn bè người thân của người ta làm, chứ không đến lượt bạn. Còn nếu quán kinh doanh không thuận lợi thì liệu bạn nhận sang nhượng bạn có làm tốt hơn người ta đang làm hay không?
Bản thân Kao Đạt cũng đã từng trả những khoản “học phí” đắt đỏ cho việc nhận sang nhượng quán cà phê, sau nhiều năm hợp tác cùng các bạn làm quán cà phê thì cũng đúc rút ra được chút ít kinh nghiệm, nay xin chia sẻ cùng các bạn.
Nội dung
1. Chuẩn bị và lập kế hoạch nhận sang nhượng quán cà phê
1.1. Xác định tư tưởng vững vàng
Đi cà phê với bạn bè cũng nhiều rồi, rất thích có cho riêng mình một cái quán cà phê nhỏ xinh, vừa là để tự chủ kinh doanh, vừa là nơi để tụ tập bạn bè giao lưu, vui lắm ấy chứ. Nhưng xin bạn hãy suy nghĩ cho kỹ, kinh doanh quán cà phê không đơn giản như bạn nghĩ. Bạn xác định mất thời gian cho nó ít nhất từ một năm trở lên, với ngày nào bạn cũng phải dậy từ 4-5 giờ sáng, và đi ngủ sớm nhất cũng là lúc 24h đêm. Trong một năm đó bạn không có thời gian cho riêng mình, không có thời gian cho gia đình, cho con cái, không được đi chơi đâu xa vài ba bữa.
Bạn dám không? Nếu thực sự muốn, thực sự đam mê, hội đủ các điều kiện CẦN và ĐỦ thì hãy nghĩ tới chuyện nhận sang nhượng quán cà phê, còn bằng không, có chút vốn nhỏ cứ mua vàng mà tích trữ, gửi tiết kiệm hoặc đầu tư chứng khoán cho lành.
1.2. Kế hoạch về tài chính
Đương nhiên là phải có tiền rồi, tiền bao nhiêu là đủ? Bao nhiêu tôi không biết, nhưng nếu bạn nhận sang nhượng quán cà phê tầm 100 triệu thì bạn phải có ít nhất 200 triệu. Tại sao ư? Ráng đọc thêm đi rồi bạn sẽ hiểu.
1.3. Kế hoạch về nhân sự
Một mình mà vận hành một cái quán cà phê là điều không thể rồi, dù quán nhỏ nhất thì bạn cũng không thể một mình vừa oder, vừa bưng bê, vừa pha chế, vừa thu ngân, vừa bảo vệ được. Quy mô quán nhỏ nhất thì cũng cần phải có từ hai nhân sự trở lên.
Bạn làm chung với ai tôi chưa biết, nhưng chắc chắn phải là người có thể hòa hợp được với bạn rồi, nhất là hòa hợp về làm ăn kinh doanh. Bạn làm ăn không đơn giản như bạn cà phê, bạn tám chuyện đâu nha. Lựa cho cẩn thận kẻo làm chung bung anh em.
2. Khảo sát những mặt bằng đang sang nhượng
2.1. Vì sao họ sang?
Xác định tư tưởng rõ ràng là làm quán cà phê, có tiền, có người rồi thì bắt đầu tìm kiếm thông tin, tăm tia, ngắm nghía những quán cà phê đang có ý định sang nhượng.
Trong quá trình khảo sát cần tìm hiểu kỹ lý do vì sao họ sang nhượng quán cà phê? Trong những quảng cáo sang nhượng hầu hết là những lý do lãng xẹt: Do chuyển công tác, do bận sinh em bé, do sức khỏe… nên cần sang, chả thấy có cái quảng cáo nào nói là “quán ế ẩm quá, trụ không nổi nên cần phải sang” đâu. Mọi thông tin là do bạn tự tìm hiểu thôi, ráng tìm hiểu cho kỹ.
2.2. Lợi thế thương mại của mặt bằng
Một trong những lựa chọn ưu tiên hàng đầu khi đi tìm mặt bằng làm quán cà phê cần phải lưu tâm đó là sự thoáng mát, thuận tiện cho việc thư giãn. Thường là góc đường có hai mặt tiền, nếu không thì bề rộng mặt bằng cũng cần tối thiểu từ 6 mét trở lên, chiều sâu không quan trọng. Tuyệt đối không lựa chọn kiểu nhà mặt phố rộng 3-4 mét, sâu hút làm quán cà phê, à mà làm cà phê ôm thì được.
Lợi thế thương mại được khảo sát bằng lưu lượng người qua lại, khách hàng mục tiêu có thể thu hút vào quán là ai? Điều này rất quan trọng để setup sản phẩm phù hợp với khách hàng.
Nếu là mặt bằng rộng đẹp, thì ngoài việc làm quán cà phê ra có thể kết hợp buôn bán thêm được mặt bằng gì? Làm thêm được dịch vụ gì không?
Mặt bằng hướng nào? Có bị ảnh hưởng bởi ánh nắng mặt trời không? Nếu có thì nắng sáng hay nắng chiều? Bạn chạy xe từ nhiều hướng khác nhau lại và quan sát coi vị trí của quán có dễ để nhận ra hay không nhé.
2.3. Tình hình kinh doanh hiện tại
Quán đông hay ế? Đông vào buổi nào? Vắng vào buổi nào? Quán đông thì không nói rồi, còn nếu quán ế thì vì sao ế? Vì chủ quán vừa xấu vừa khó chịu? Vì đồ uống dở và mắc? Vì không gian không thoáng đãng, vì tiếng ồn, vì một yếu tố khác nào đó gây khó chịu. Tất cả những thông tin đó đều cần được tìm hiểu đầy đủ và đánh giá chính xác.
Để làm được điều này, bạn cần phải ngồi thiền ở quán mất vài ba buổi, để ý quan sát tinh tế. Nên đi cùng người sẽ cùng làm với mình sau này để có thêm sự quan sát và đánh giá trước khi đưa ra quyết định có nhận sang nhượng quán cà phê đó hay không.
2.4. Chủ mặt bằng
Chủ là ai? Mặt bằng họ cho thuê có phải là tài sản hợp pháp hay không? Có giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu hay không? Cái này sẽ liên quan tới việc ký kết hợp đồng thuê mặt bằng, đăng ký kinh doanh và các hoạt động khác của bạn cần được pháp luật bảo vệ trong hoạt động kinh doanh sau này. Chủ nhà ở liền với mặt bằng hay ở nơi khác? Tính tình ra sao? Dễ hay khó? Điều kiện kinh tế của họ thế nào?
2.5. Chính quyền địa phương
Chính quyền dễ hay khó? Dù dễ hay khó thì khi làm ăn buôn bán ở đâu mình cũng cần nên biết điều, ít nhất là từ tổ trưởng dân phố, trưởng khu phố mình cũng cần biết, cần tiếp xúc quan hệ, đừng để đến khi có chuyện rồi thì mới tìm tới người ta.
2.6. Tình hình an ninh trật tự
An ninh trật tự được đảm bảo thì yên ổn làm ăn, còn bằng không nay mất thứ này, mai vụ việc kia thì không thể ổn định để làm ăn được rồi.
3. Tiến hành nhận sang nhượng quán cà phê
3.1. Thương lượng về giá sang nhượng, lập hợp đồng sang nhượng quán cà phê
Mọi thứ bước 1 và 2 ok rồi thì gặp gỡ chủ quán, đặt vấn đề và thương lượng về việc sang nhượng quán cà phê. Ở bước này bạn cần có định giá chính xác về các hạng mục sang nhượng. Giá sang nhượng thường bao gồm:
– Giá trị còn lại của các tài sản, vật dụng, nguyên vật liệu.
– Tiền cọc chủ kinh doanh cũ đã cọc cho chủ mặt bằng.
– Giá trị thương mại của mặt bằng: Cái này nói hơi khó hình dung, nhưng nó là một lượng khách quen nhất định có sẵn của quán, khi bạn nhận sang nhượng là đã có lượng khách này rồi.
Lưu ý lập bảng kê chi tiết về trang thiết bị nhận sang nhượng trong phụ lục hợp đồng sang nhượng.
3.2. Giao kết hợp đồng thuê mặt bằng
Khi giao kết hợp đồng thuê mặt bằng với chủ mặt bằng cần có sự có mặt của đủ 3 bên: Bên sang nhượng, bên nhận sang nhượng và chủ mặt bằng. Các vấn đề cần lưu ý khi ký kết hợp đồng thuê mặt bằng:
- Thời gian thuê: Ít nhất 3 năm, dưới 3 năm không làm ăn được gì hết. Để quán ổn định mất ít nhất 6 tháng, nếu ký kết hợp đồng 1 năm thì không kịp thu hồi vốn.
- Giá điều chỉnh tăng qua từng năm không quá 15%, nhớ kỹ điều khoản thỏa thuận trong những trường hợp thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn, các trường hợp bất khả kháng khác.
- Tiền cọc đã bao gồm hay chưa bao gồm trong giá trị sang nhượng chuyển cho chủ cũ, ghi rõ trong hợp đồng. Trường hợp một bên đơn phương chấm dứt hợp đồng trước hạn thì đền bù ra sao.
Nếu bạn khéo léo, có thể thương lượng xin giảm tiền thuê mặt bằng 1-3 tháng đầu: Em mới tập kinh doanh, còn chưa biết liệu có buôn bán được không, anh/chị cho em xin bớt chút đỉnh tiền thuê thời gian đầu, coi như anh/chị gia lộc cho em để làm ăn cho thuận lợi. Hoặc: Em nhận nhượng lại cũng mất thời gian ban đầu để setup lại, mong anh/chị chia sẻ giúp em một vài tháng đầu.
3.3. Báo chính quyền địa phương về hoạt động kinh doanh của mình
Thường thì người mới kinh doanh luôn lo lắng về các vấn đề với chính quyền địa phương, với trật tự đô thị, thuế… các cơ quan chức năng khác. Đừng lo lắng quá như vậy.
Khi nhận sang nhượng quán cà phê xong, bạn tới gặp trực tiếp tổ trưởng dân phố hoặc trưởng khu phố trình bày: Em mới nhận nhượng lại mặt bằng, em mới tập tành buôn bán, chưa có rành. Cho em vài ba tháng tập sự, làm ăn ổn định rồi em sẽ thực hiện đầy đủ các quy định của Nhà nước, em hứa chấp hành nghiêm túc các quy định của địa phương, không làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự của khu phố.
Lời nói chẳng mất tiền mua, cứ lựa lời nói trước một tiếng như vậy. Khi có cơ quan chức năng tới kiểm tra thì cũng cần cẩn trọng, tránh các đối tượng lừa đảo.
Sau tầm 6 tháng, nếu hoạt động ổn định rồi thì tiến hành đăng ký kinh doanh, nộp thuế theo quy định, thực hiện các quy định của nhà nước.
3.4. Reset lại mặt bằng theo ý muốn chủ quan
Sau khi nhận sang nhượng quán cà phê xong, bạn có thể setup lại một vài thứ theo ý chủ quan, thuận tiện nhất cho quá trình vận hành quán, nhưng cơ bản vẫn giữ nguyên nếp cũ của quán.
4. Vận hành thử nghiệm
4.1. Chạy theo hoạt động của chủ cũ một thời gian
Đây là thời gian để bạn nắm bắt toàn bộ các vấn đề của quán. Nếu thấy ổn, bạn có thể cứ vận hành như vậy và phát triển dần lên. Trường hợp nếu thấy không ổn thì lập kế hoạch để reset toàn bộ hoạt động của quán.

4.2. Reset lại toàn bộ hoặc giữ nguyên
Trường hợp giữ nguyên ổn định và phát triển dần lên thì là lý tưởng rồi. Còn nếu trường hợp phải reset lại toàn bộ thì lại phải lên ý tưởng, lập kế hoạch như việc mở một quán mới.
Trong trường hợp này thì ngưng hoạt động, quây bạt lại để thực hiện việc reset. Đây là lúc bạn lại cần một mớ tiền đó, là cái khi nãy tôi nói là nếu nhận nhượng lại quán 100 triệu thì bạn phải có 200 triệu là như vậy đó.
Reset lại thế nào? Nếu bạn cần sự tư vấn xin đừng ngại, cứ liên hệ Kao Đạt, chúng tôi sẽ đồng hành cùng bạn. Đội ngũ tư vấn thiết kế của Kao Đạt sẽ giúp bạn có được một quán cà phê như ý, phù hợp với điều kiện tài chính của bạn.
5. Thiết lập hoạt động chính thức của quán
5.1. Xây dựng quy chế hoạt động/nội quy
Reset xong thì bắt đầu khai trương thôi. Trước khi khai trương cần chuẩn bị kỹ lưỡng để đảm bảo mọi hoạt động của quán đi vào nề nếp ngay từ những ngày đầu tiên bạn nhé.
5.2. Tiếp thu ý kiến phản hồi của khách hàng
Hoạt động này cần được thực hiện thường xuyên, liên tục, đảm bảo để khách hàng được cảm thấy thoải mái nhất khi tới quán của bạn.
5.3. Bổ sung/điều chỉnh những hạng mục cần thiết
Trong quá trình kinh doanh sẽ có những sự phát triển, có những sự thay đổi, có những trang thiết bị cần được sửa chữa, thay thế hoặc bổ sung. Bạn cần có một nguồn kinh phí cho hoạt động này, nguồn này được hình thành từ việc trích lập quỹ duy trì/đầu tư phát triển, nâng cấp, sửa chữa, mở rộng.
5.4. Thiết lập trạng thái duy trì và phát triển
Thực hiện giám sát chặt chẽ, theo dõi kết hợp ghi chép mọi hoạt động của quán để thiết lập chính sách hoạt động, lập kế hoạch phát triển quán qua từng giai đoạn cụ thể.
Nói khơi khơi thì dễ, nhìn người khác làm thì nghĩ là đơn giản, nhưng mấy ai làm được bài bản, đầy đủ và thành công? Cần có một niềm đam mê thực sự, cần có ý chí, nghị lực kiên cường, có bản lĩnh chắc chắn, kèm theo điều kiện tài chính ổn định và vững chắc thì hãy nghĩ tới chuyện nhận sang nhượng quán cà phê và làm quán cà phê bạn nhé
Cơ sở rang xay gia công cà phê Kao Đạt
Địa chỉ: 63/12/10, đường số 8, P. Linh Xuân, TP. Thủ Đức, TP. HCM
Hotline: 0902.570.286